Khoa Thực phẩm và Hóa học

http://hoathucpham.saodo.edu.vn


Rèn luyện kỹ năng mềm cho sinh viên đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động

       Trong báo cáo của tổ chức Giáo dục và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) năm 1996 về giáo dục trong thế ký 21, Jacques Delors đã đưa ra bốn trụ cột của giáo dục:
       1. Học để hiểu biết (năng lực nhận thức) với các kỹ năng cần đạt được là: Kỹ năng ra quyết định/ giải quyết vấn đề, kỹ năng tư duy phân tích
       2. Học để làm người (năng lực cá nhân): với các kỹ năng cần đạt được là: năng kiểm soát bản thân, kỹ năng quản lý cảm xúc, kỹ năng quản lý căng thẳng và áp lực
       3. Học để chung sống (năng lực ứng xử): với các kỹ năng cần đạt được là: kỹ năng giao tiếp ứng xử, Kỹ năng đàm phán/ từ chối, cảm thông với người khác, kỹ năng hợp tác và làm việc đồng đội, kỹ năng gây ảnh hưởng.
       4. Học để làm việc – kỹ năng chuyên môn, kỹ năng cứng [1].
       
Từ bốn trụ cột đó, có thể thấy, trước khi bước vào thế kỷ 21, ngành giáo dục đã nhận ra vai trò quan trọng của kỹ năng mềm trong việc phát triển con người toàn diện bên cạnh việc học để có kỹ năng chuyên môn để làm việc. Và quả thực từ đó đến nay, cụm từ “Kỹ năng mềm” đã và đang là cụm từ được đề cập nhiều đến trong nhiều diễn đàn, hội thảo, hội nghị và cũng như trong các doanh nghiệp và đặc biệt là các trường học [2, 3, 4, 5, 6, 7, 8] với những phát ngôn nhấn mạnh vai trò của kỹ năng mềm như: “Thực tế cho thấy người thành đạt chỉ có 25% là do những kiến thức chuyên môn, 75% còn lại được quyết định bởi những kỹ năng mềm họ được trang bị” [3], “phần lớn các nhà tuyển dụng khẳng định rằng kỹ năng mềm quan trọng hơn kỹ năng cứng”… [5]. “Kỹ năng mềm dùng mọi lúc, mọi nơi, suốt đời, với mọi người và với chính mình. Càng thành đạt, càng cao tuổi chúng ta càng thiên về kỹ năng mềm hơn”[ 9]. Vì vậy, việc giảng dạy kỹ năng mềm đã được các trường học, các trung tâm đào tạo cập nhật và đưa vào giảng dạy trong cả chương trình chính khóa và chương trình ngoại khóa với nhiều đối tượng người học: từ các em nhỏ còn học mẫu giáo đến học sinh tiểu học, trung học, sinh viên đại học, cao đẳng và cả đối tượng người đi làm. Đặc biệt, trong các trường đại học – nơi đào tạo nguồn nhân lực sẽ sớm trực tiếp tham gia vào các mối quan hệ công việc trong thời kỳ toàn cầu hóa, việc giảng dạy kỹ năng mềm đã được cập nhật và không ngừng được cải tiến để phủ hợp với nhu cầu của thị trường lao động.
       Không nằm ngoài xu thế đó, tại trường Đại học Sao Đỏ, kỹ năng mềm đã được đưa vào đào tạo từ năm 2012. Chương trình đào tạo kỹ năng mềm đã được bố trí trong tiến độ đào tạo phù hợp với đối tượng sinh viên trong từng năm cụ thể là:
Năm thứ nhất nội dung giảng dạy là kỹ năng cơ bản để hội nhập với các kỹ năng quản lý bản thân, tự học tự nghiên cứu (kỳ 1), kỹ năng giao tiếp (kỳ 2) là hành trang cần thiết cho sinh viên khi bước chân vào môi trường học tập mới với những mối quan hệ mới mẻ [10].
       Năm thứ 2 giảng dạy kỹ năng cơ bản để hòa đồng với các nội dung làm việc nhóm, thuyết trình, giải quyết vấn đề. Các nội dung này đã hướng cho sinh viên tới những hoạt động cụ thể hơn và giúp sinh viên có những kỹ năng cơ bản để phục vụ tốt cho kế hoạch học tập các môn học cơ sở ngành và chuyên ngành [11].
Năm thứ 3 giảng dạy kỹ năng cơ bản để tạo lập với các kỹ năng tư duy, sáng tạo, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức công việc cần thiết cho sinh viên khi giải quyết các vấn đề chuyên sâu và bước đầu hướng vào hoạt động chuyên môn theo các nhóm của lớp học [12].
       Năm thứ 4 trang bị kỹ năng cơ bản để lập nghiệp với kỹ năng tổ chức sự kiện, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng tìm kiếm việc làm phù hợp với đối tượng sinh viên sắp ra trường cần có kỹ năng để tiếp xúc với nhà tuyển dụng để tìm kiếm và có vị trí việc làm phù hợp[13].
       Môn học được bố trí 3 tiết trong tuần. Sau mỗi nội dung cung cấp về cơ sở lý luận của kỹ năng, bài học luôn có phần thực hành gắn liền với các kiến thức đã cung cấp. Giáo trình và đề cương được biên soạn chi tiết với các tài liệu tham khảo có giá trị sử dụng cao. Mỗi buổi học đều có một chuyên đề phù hợp với đối tượng sinh viên như: văn hóa đọc, đạo đức lối sống, ứng xử học đường, động cơ thái độ học tập, tình hình kinh tế xã hội của đất nước, của nhà trường,... Các chuyên đề này cung cấp thêm kiến thức nền cho sinh viên, giúp sinh viên có kiến thức để vận dụng trong quá trình giao tiếp, tương tác với các đối tượng trong mối quan hệ của mình, định hướng cho sinh viên cách học, cách nghiên cứu, cách ứng xử khi thay đổi môi trường sống dưới sự bao bọc của gia đình sang sống tự lập của sinh viên. Có thể nói đây là một phần sáng tạo trong khi biên soạn chương trình giảng dạy. Các nội dung chuyên đề này chính là phần gián tiếp để hình thành nên nhân cách con người (3 nội dung trụ cột của giáo dục là: học để hiểu biết, học để làm người và học để chung sống) [10, 11, 12, 13].
       Bên cạnh đó, kỹ năng mềm của sinh viên cũng được rèn luyện thông qua các môn học khác khi giảng viên áp dụng các phương pháp dạy học tích cực như thảo luận nhóm, công não và qua quá trình tự học, tự nghiên cứu của sinh viên khi giảng viên giao nội dung tự học. Các hoạt động ngoại khóa, hoạt động phong trào cũng góp phần hình thành kỹ năng mềm trong sinh viên như hoạt động của các câu lạc bộ âm nhạc, câu lạc bộ khởi nghiệp, không gian Job café, hoạt động tình nguyện của sinh viên, hoạt động trải nghiệm tại doanh nghiệp….
 
           
ho1
Hình 1: Sinh viên rèn kỹ năng mềm trong không gian Job café
ho2

Hình 2: Rèn luyện kỹ năng mềm qua tiếp xúc với doanh nghiệp
 

ho3

Hình 3: Sinh viên khoa Thực phẩm& Hóa học trải nghiệm tại doanh nghiệp

       Có thể khảng định rằng: để người học có được các kỹ năng mềm đáp ứng được yêu cầu của xã hội thì việc học tập, rèn luyện không chỉ từ 08 tín chỉ kỹ năng mềm trong chương trình đào tạo mà phải từ nhiều hoạt động khác trong cả bốn năm học của sinh viên. Khoa học cũng đã chứng minh: để trở thành bậc thầy trong một lĩnh vực nào đó, trung bình mỗi người mất 10.000 giờ luyện tập nên việc thực hành rèn luyện sau học tập là vô cùng quan trọng [14]. Vì vậy, ở trường Đại học Sao Đỏ, việc rèn luyện kỹ năng mềm qua các môn học khác đặc biệt là các môn cơ sở ngành và chuyên ngành để giúp sinh viên vận dụng được kỹ năng mềm vào nghề nghiệp của mình qua các bài tập lớn, các buổi thảo luận và các hoạt động ngoại khóa được đặc biệt quan tâm và phát triển theo 3 hướng chính là:

       - Phát triển kỹ năng mềm dựa trên dạy và học chính khóa
       - Phát triển kỹ năng mềm dựa trên các chương trình hỗ trợ
      - Phát triển kỹ năng mềm dựa trên cuộc sống trong trường đại học [8, 18].
      Để làm được việc bắt buộc phải có kiến thức chuyên môn vững vàng. Kỹ năng mềm là công cụ hỗ trợ để kiến thức chuyên môn được thăng hoa, người có kiến thức chuyên môn tốt thành công trong sự nghiệp và có cuộc sống tốt. Vì vậy, mỗi sinh viên muốn thành đạt trên con đường sự nghiệp cần rèn luyện kỹ năng mềm song hành với học tập chuyên môn.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Jacques Delors, Karan Singh, Michael Manley, Learning: The Treasure Within;  Report to UNESCO of the International Commission on Education for the Twenty-First Century, 1996, UNESCO Publishing.
2. https://www.hutech.edu.vn/homepage/tin-tuc/hoat-dong-sinh-vien/14563204-dai-hoc-nang-dong-be-phong-ky-nang-mem-cho-sinh-vien
3. http://kenhtuyensinh.vn/tam-quan-trong-cua-ky-nang-mem-doi-voi-gioi-tre-hien-nay
4. http://phattrienbanthan.com/ky-nang-nghe-nghiep/ky-nang-mem/sinh-vien-nghiep-khi-ra-truong-vi-thieu-ky-nang-mem.html
5. http://daihocnguyentrai.edu.vn/90-sinh-vien-viet-nam-khong-co-ky-nang-mem/
6.  http://cdbacgiang.edu.vn/3cms/?cmd=130&art=1415674508991&cat=1391818265673
7. https://www.hutech.edu.vn/homepage/tin-tuc/hoat-dong-sinh-vien/14563204-dai-hoc-nang-dong-be-phong-ky-nang-mem-cho-sinh-vien
8. http://oisp.hcmut.edu.vn/hoi-va-dap-148/chuong-trinh-pre-university/734-cac-ky-nang-mem.html
9. http://www.tamviet.edu.vn/3189/ky-nang-mem-phai-that-cung-ky-nang-cung-phai-rat-mem.html
10. Trường đại học Sao Đỏ,  Đề cương chi tiết học phần Kỹ năng cơ bản để hội nhập, 2015
11. Trường đại học Sao Đỏ, Đề cương chi tiết học phần Kỹ năng cơ bản để hòa đồng, 2015
12. Trường đại học Sao Đỏ, Đề cương chi tiết học phần Kỹ năng cơ bản để tạo lập, 2015
13. Trường đại học Sao Đỏ, Đề cương chi tiết học phần Kỹ năng cơ bản để lập nghiệp, 2015

14. Malcolm Gladwell, Người dịch: Diệu Ngọc, Những Kẻ Xuất Chúng, Nxb Thế giới, 2010
15. A. Rugarcia, R.M. Felder, J.E. Stice, and D.R. Woods, “The Future of Engineering Education: I. AVision for a New Century.” Chem. Engr. Education, Chem. Engr. Education, 2000, 34(1), 16–25.
16.  A. Rugarcia, R.M. Felder, J.E. Stice, and D.R. Woods, the future of engineering education iii. developing critical skills*,  Chem. Engr. Education, 2000, 34(2), 108–117,
17. A. Rugarcia, R.M. Felder, J.E. Stice, and D.R. Woods, the future of engineering education ii. teaching methods that work, Chem. Engr. Education, 2000, 34(1), 26–39
18. Roselina Shakir, Soft skills at the Malaysian institutes of higher learning; Asia Pacific Educ. Rev., 2009, 10:309–315.

Tác giả bài viết: TS. Hoàng Thị Hòa

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây