Ngành công nghệ thực phẩm – cơ hội việc làm rộng mở
- Thứ tư - 22/07/2020 16:34
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu về xuất khẩu sản phẩm nông sản, nhưng các dòng sản phẩm chế biến sẵn vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Nguyên nhân chính là do chênh lệch về trình độ công nghệ, trang thiết bị và nhân lực. Nước ta đang thực sự thiếu những người lao động có trình độ chuyên môn và tay nghề vững vàng trong lĩnh vực thực phẩm. Đó là khó khăn của nền kinh tế, nhưng cũng chính là cơ hội để các kỹ sư công nghệ thực phẩm chớp lấy và thành công. Vì vậy, học ngành Công nghệ thực phẩm cũng đồng nghĩa với việc bạn đã chọn một mảnh đất màu mỡ để khai thác và thể hiện bản thân.
Với dân số khoảng 90 triệu người, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình khoảng 7,5%/năm, nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam đối với thực phẩm chế biến ngày càng lớn và phong phú, đặc biệt là nhu cầu về các sản phẩm sạch được chế biến an toàn và tinh tế. Theo thống kê của Bộ Công thương, năm 2017, ngành chế biến thực phẩm chiếm một tỷ lệ đáng kể sản lượng đầu ra của ngành công nghiệp nói chung và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nói riêng. Giá trị tiêu thụ thực phẩm hàng năm của Việt Nam ước tính chiếm 15% giá trị GDP, lượng tiêu thụ thực phẩm chế biến tại Việt Nam cũng tăng trung bình gần 10%/năm.
Nghiên cứu của tổ chức Business Monitor Interbational cũng dự báo tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống Việt Nam sẽ duy trì mức tăng trưởng kép khoảng 11%/năm trong giai đoạn 2017 - 2019 nhờ thu nhập người dân được cải thiện và xu hướng tiêu dùng sản phẩm giá trị cao hơn.Cụ thể là:
Bia- rượu- nước giải khát là một trong những ngành sản xuất phát triển, có hiệu quả kinh tế cao, chiếm 4,69% giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp. Toàn ngành có 1.242 doanh nghiệp (DN), thu hút gần 40 ngàn lao động trực tiếp với thu nhập bình quân cao so với mức trung bình của xã hội là 8 triệu đồng/người/tháng.
Ngành sữa là một trong những ngành phát triển nhanh, giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 10.000 lao động với mức thu nhập bình quân trên 8 triệu đồng/người/tháng; tốc đ ộ tăng trưởng bình quân trên 20%/năm.
Ngành công nghiệp chế biến dầu thực vật của Việt Nam hiện có 37 doanh nghiệp sản xuất dầu thô và dầu tinh luyện. Năng lực sản xuất dầu thô 1.200 ngàn tấn nguyên liệu hạt có dầu/năm, năng lực sản xuất dầu tinh luyện 1.129 ngàn tấn dầu tinh luyện/năm. Năng lực tách phân đoạn toàn ngành 610 nghìn tấn nguyên liệu/năm....
Lĩnh vực sản xuất bánh kẹo, hiện Việt Nam có khoảng 30 doanh nghiệp trong nước và hàng trăm cơ sở sản xuất nhỏ và một số công ty nhập khẩu bánh kẹo nước ngoài, là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của ngành bánh kẹo 8-10%/năm.
Bộ Công thương đã xếp công nghiệp thực phẩm vào nhóm ngành có lợi thế cạnh tranh và có định hướng, chiến lược phát triển trên cơ sở sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, khai thác sử dụng tối đa nguyên liệu trong nước, tạo sản phẩm đa dạng, có khả năng cạnh tranh cao. Nhân lực ngành công nghệ thực phẩm không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế, do đó việc chọn lựa nhân lực chất lượng cao ngành này càng như “mò kim đáy bể”. Việc các công ty, doanh nghiệp lớn chi tiền lương hàng chục nghìn USD mỗi tháng để trả cho các chuyên gia người nước ngoài ngành công nghệ thực phẩm khá phổ biến. Đây chính là cơ hội rộng mở các kỹ sư công nghệ thực phẩm tương lai có được vị trí việc làm tốt với mức lương mơ ước.