Tôn sư trọng đạo – Một truyền thống văn hóa tốt đẹp của con người Việt Nam

Thứ tư - 24/10/2018 20:07
     Dân tộc ta có truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Thời phong kiến, trong bậc thang giá trị, nhà giáo xếp sau vua nhưng trước cha mẹ:  “Quân – Sư – Phụ”, tức “Vua – Thầy – Cha”. Trong những tháng năm ấy giáo dục Việt Nam được coi là nền giáo dục Nho Giáo. Giá trị nhân bản tốt đẹp của nền giáo dục này thể hiện rất rõ ở “hằng số văn hóa” thầy - trò. Từ xưa đến nay, nhân vật quan trọng nhất của trường học là người thầy. Truyền thống ngàn đời trong ứng xử của người Việt Nam được cô lại và đúc kết bằng bốn chữ: “Tôn sư trọng đạo”. Đây chính là một nét đẹp Văn hóa đã tồn tại từ ngàn xưa, nét đẹp ấy được thế hệ này nối tiếp thế hệ khác và tiếp tục xây dựng, phát huy bằng nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là vào dịp chúc tết các thầy, các cô nhân ngày Nhà giáo Viêt Nam 20/11.
     Câu nói: “Không thầy đố mày làm nên”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” là những lời cửa miệng của người Việt nhắc nhở nhau mỗi khi đề cập tới vai trò của người thầy. Ở dân tộc Việt Nam, “tôn sư trọng đạo” thấm sâu trong tâm thức mỗi người dân. Điều đó được thể hiện ở quan niệm: “Sống tết, chết giỗ”. Lòng tôn sư trọng đạo ấy còn in sâu vào lời ăn tiếng nói của dân gian. Đó chính là những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ tôn vinh vai trò, vị trí của người thầy trong xã hội:
“Người không học như ngọc không mài;
 Muốn hành nghề chớ nề học hỏi;
 Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học;
 Một kho vàng không bằng một nang chữ
     Tại Việt Nam, ngày 20/11 được chọn là ngày NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM từ năm 1982. Từ đó đến nay, ngày ấy như sợi chỉ đỏ xuyên suốt nối mạch truyền thống tôn sư trọng đạo qua các thế hệ người con nước Việt. Một ngày “Uống nước nhớ nguồn”, để cho ta hiểu “Không thầy đố mày làm nên” và nhắc nhở chúng ta “Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Ngày đó trong lời ru của mẹ đã cất lên tha thiết: 
“Bồng bồng mẹ bế con sang
Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo
Muốn sang thì bắc cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.
     Thời nào cũng vậy, vô sư, vô sách thì chẳng thể nên người. Cho nên, dù “con học, thóc vay” chăng nữa, có bậc sinh thành nào mà chẳng cố? Phải cố, là vì:
Chẳng cày lấy đâu có thóc, chẳng học lấy đâu biết chữ;
 “Chẳng học mà hay, chẳng cày mà có”.
Không chỉ vậy, học còn là để làm người, một quan niệm vô cùng sâu sắc:
Bất học vô thuật (không học không biết xử sự);
Bất học diện tường (không học như đứng trước tường);
Nhân bất học bất tri lý (người không học không biết lý lẽ)
     “Tôn sư trọng đạo” còn thể hiện ở việc kính thầy. Kính thầy là một phong tục có giá trị nhân văn sâu sắc. Kính thầy thường vào dịp đầu xuân - Tết nguyên đán. Học trò xa gần náo nức rủ nhau tới chúc tết, thăm hỏi sức khỏe gia đình thầy. Dân gian có câu: “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy” cũng vì lẽ đó.
     Với bất kỳ ai, ở đâu và bao giờ, thì để sống, chúng ta phải biến đổi những nguồn lực mà chúng ta có thành cái mà chúng ta cần, biến “tiềm năng” thành “hiện thực”; vì ngày mai tốt đẹp hơn, chúng ta được trang bị những khả năng thích nghi cao hơn, môi trường tự nhiên - xã hội được cải thiện tốt hơn... thì chúng ta phải học, bằng cách này hay cách khác, để có tri thức, đạo đức, văn minh… đặng sinh tồn và phát triển, đặng “giải thích thế giới” và “cải tạo thế giới” theo khát vọng của mình. Vì lẽ hiển nhiên đó mà chúng ta phải “tôn sư trọng đạo”. Nhưng sở dĩ nó trở nên thiêng liêng và biểu hiện ra hết sức cao đẹp, vô tư, trong sáng… là vì chúng ta đã dùng chính cái tri thức, đạo đức, văn minh… mà “thầy” đã truyền thụ để đối đáp lại. Đây chính là bản chất tốt đẹp và ý nghĩa nhân văn sâu sắc của truyền thống tôn sư trọng đạo mà nhân dân ta đã thực hiện bao đời nay. Sự biến đổi của nó tất yếu sẽ bắt nguồn từ sự biến đổi về nội dung và hình thức của tri thức, đạo đức, văn minh… mà những người đứng ở ngôi “thầy” đã sử dụng trong quá trình “dạy” và những người đứng ở ngôi “trò” đã tiếp biến trong quá trình “học”, mà bản thân những nhân tố đó lại phụ thuộc vào sự phát triển chung của xã hội.
     Thế nên, ngày 20/11 không chỉ là một ngày, mà nó chứa đựng cả một truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc và nhân loại. Đó không chỉ là câu chuyện của “thầy” và “trò”, mà là của tất cả mọi người, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang nỗ lực xây dựng “xã hội học tập”.
     Ngày nay dưới chế độ mới, nhà giáo được vinh danh như những “kỹ sư tâm hồn”, nghề dạy học là “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Lớp lớp nhà giáo đã đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp “trồng người” của nước nhà. Biết bao kỹ sư tâm hồn đang thầm lặng góp từng viên gạch của mình xây dựng nền giáo dục Việt Nam, đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và khi Tổ quốc cần họ cũng sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do.
     Nhân dịp ngày nhà giáo Việt Nam, tất cả chúng ta từ những người đang ngồi trên ghế nhà trường đến những người đã nghỉ hưu đều nghĩ về những năm tháng đẹp tuyệt vời của mình được hưởng thụ sự giáo dục và tỏ lòng cảm ơn thầm kín đối với các thế hệ thầy cô giáo. Cùng hòa vào không khí của cả nước nói chung và trường Đại học Sao Đỏ nói riêng thầy và trò liên chi đoàn TP&HH đã và đang tích cực thi đua lập thành tích chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20/11. Tinh thần đó được cụ thể hóa bằng phong trào Thi đua dạy tốt – học tốt; phong trào thể dục thể thao, phong trào văn nghệ, viết báo do khoa cũng như nhà trường tổ chức. Đặc biệt một sự kiện được rất nhiều các bạn sinh viên hưởng ứng tham gia đó là cuộc thi “Kỹ năng tay nghề chế biến thực phẩm giỏi” do liên chi đoàn tổ chức.
     Có sống trong những ngày tháng này, chứng kiến sự năng nổ, nhiệt tình và luôn luôn tôn kính thầy cô của các em sinh viên mới thấy hết được giá trị nhân văn sâu sắc của ngày Nhà giáo Việt Nam. Chúng tôi với đội ngũ các thầy cô giáo tuổi đời còn trẻ cảm thấy thật hạnh phúc và tự hào biết bao. Niềm hạnh phúc và tự hào đó như nguồn cổ vũ và sẽ tiếp thêm sức mạnh cho các thầy cô giáo vững bước trong “sự nghiệp trồng người”.

Tác giả bài viết: Ths Bùi Văn Tú

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập14
  • Hôm nay1,883
  • Tháng hiện tại33,597
  • Tổng lượt truy cập4,908,048
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây