Đánh thức tư duy người học

Thứ năm - 21/12/2017 11:12
          Học là một quá trình thường xuyên và liên tục đối với mỗi con người, đặc biệt là trong thời đại khoa học kỹ thuật hiện nay. Vấn đề là làm thế nào để có thể học hỏi được những thành tựu của khoa học trong một thời gian hữu hạn và có thể sử dụng sáng tạo những thành tựu ấy mà không cảm thấy bị nhàm chán, quá tải?
          Ngày 16/5/2002, tạp chí Journal of Consciousness Studies công bố một công trình nghiên cứu của MacFadden tại Đại học Surrey ở Anh về cơ sở vật chất của tư duy, trong đó khẳng định rằng hoạt động tư duy bao gồm vô thức và ý thức. Học là một hoạt động tư duy điển hình như vậy, tức là: Học = Vô thức + Ý thức.
          Đứng trước một bãi cỏ, ta thấy nó có màu xanh, đem lại cảm giác dễ chịu, đó là vô thức. Thắc mắc tại sao lá cỏ lại có màu xanh đó là ý thức. Làm các phép toán cộng, trừ, nhân chia cứ theo quy tắc mà đưa ra đáp số là vô thức, thắc mắc tại sao quy tắc lại là như thế là ý thức. Nếu bỗng nhiên đem hỏi người khác tại sao quy tắc lại như thế, chắc chắn sẽ có nhiều người lúng túng. Điều này rất dễ hiểu, bởi xã hội không đòi hỏi mọi người phải giải thích quy tắc mà chủ yếu chỉ đòi hỏi thành thạo áp dụng quy tắc. Trong trường hợp này không cần nhiều tư duy ý thức, chỉ cần vô thức nhạy bén là đủ rồi. Trong nghiên cứu của mình McFadden nhấn mạnh: “Rất nhiều người thường đồng nhất tư duy với ý thức”. Thực tế phần lớn tư duy là vô thức, vô thức bao giờ cũng có trước, ý thức có sau, vô thức là cái phần bẩm sinh mà ai cũng có nhưng vấn đề là nó có được đánh thức hay không. Ý thức là cái có sau, hình thành trong quá trình sống, phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh môi trường. Vô thức và ý thức liên quan mật thiết với nhau, thiếu một trong hai vế đều dẫn tới tư duy không hoàn chỉnh.
          Quan sát con người thấy rằng khi còn nhỏ, chúng ta chủ yếu tư duy bằng vô thức, lớn dần lên mới bổ sung dần ý thức. Vô thức bám theo con người suốt cả cuộc đời, nhưng khi ý thức lấn át vô thức sẽ làm cho tư duy mất cái hồn nhiên sinh động, thậm chí phản tự nhiên. Chỉ có sự cộng hưởng nhịp nhàng giữa hai loại tư duy này mới đem lại hiệu quả tốt đẹp. Các nhà khoa học lớn đều nhấn mạnh đến cái vô thức ẩn náu bên trong trực giác.
thongminh
Albert Einstein khẳng định: “Nhiệm vụ tối cao của nhà vật lý là khám phá ra những định luật cơ bản chi phối vũ trụ.

          Không có con đường suy luận logic để đi tới những khám phá đó; chỉ có trực giác nằm trong nhận thức bằng giao cảm mới có thể dẫn tới những khám phá đó”. Chính vì vậy mà ngay khi mới chỉ là một viên chức bình thường Einstein đã phát minh ra một trong những lý thuyết quan trọng nhất trong toàn bộ lịch sử nhân loại - Thuyết tương đối hẹp. Michael Faraday chỉ là một nhân viên rửa dụng cụ trong phòng thí nghiệm, nhưng với lòng khao khát tìm tòi cái mới lạ mà ông đã có những công trình khoa học để đời phục vụ cho sự phát triển của Hóa học và Vật lý. Chính vì vậy, giáo dục cần phải đánh thức năng lượng to lớn (vô thức) tiềm ẩn trong con người cùng với việc bổ sung ý thức qua quá trình học tập.
         Vấn đề đó cần được giải quyết trong phương pháp dạy học tích cực đã và đang được áp dụng. Chúng ta hiện nay đang tích cực đổi mới phương pháp dạy học, chuyển phương pháp dạy học thụ động thầy đọc trò chép sang phương pháp dạy học tích cực lấy người học làm trung tâm. Khi nói đến các phương pháp lấy người học làm trung tâm, chúng ta hiểu đó là những chiến lược tạo cơ hội cho sinh viên tham gia tích cực vào quá trình dạy và học. Giáo viên đóng vai trò là nguồn thông tin chính nhưng cũng là người thúc đẩy quá trình học của sinh viên. Bài học được sử dụng chủ yếu để phân tích, tìm hiểu những kiến thức cơ bản và thực hành những kỹ năng đòi hỏi tư duy cao cấp như: phân tích vấn đề, tranh luận, áp dụng, sáng tạo và ra quyết định. Để người học có thể tích cực tham gia vào quá trình đó thì điều cốt yếu đầu tiên là giáo viên phải có khả năng đưa ra những câu hỏi kích thích tư duy của sinh viên, phải khơi dậy được khao khát muốn biết cái mới lạ trong bài học đưa việc tiếp thu kiến thức, tìm đến cốt lõi của vấn đề trở thành nhu cầu không thể thiếu của người học. Tức là cái vô thức được khơi dậy trước là tiền đề để bổ sung ý thức một cách chủ động. Từ đó, tâm lý chán học, học để thi cho qua chứ không phải học để lấy kiến thức sẽ biến mất, hoạt động học trở thành nhu cầu không thể thiếu của người học. Các câu chữ thuần túy kỹ thuật, khô khan không còn là trở ngại để người học đạt được mong muốn khám phá vấn đề. Có như vậy thì hiệu quả của giáo dục mới là cao nhất.
 

Tác giả bài viết: TS Hoàng Thị Hòa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập18
  • Hôm nay2,998
  • Tháng hiện tại15,256
  • Tổng lượt truy cập4,889,707
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây