Nghiên cứu sự phát triển của sợi nấm sò (Pleurotus ostreatus) trên giá thể từ vỏ lạc và cám gạo

Thứ sáu - 11/11/2022 16:34
      Ở nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, phụ phẩm trong nông, lâm, thuỷ sản được coi là nguồn tài nguyên tái tạo, đầu vào quan trọng, kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp là nguồn nguyên liệu có giá trị trong trồng trọt, chăn nuôi, cung cấp dinh dinh dưỡng cho đất và bảo vệ môi trường.
      Một trong những hướng sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp là dùng làm giá thể trồng cây, trồng nấm. Rơm lúa mì, thân ngô, lõi ngô, mùn cưa ... đã được nghiên cứu sử dụng để trồng nhiều loại nấm khác nhau như nấm mỡ, nấm sò, nấm hương,...  phù hợp với điều kiện của từng khu vực khác nhau trên khắp thế giới. Ruhul A và các cộng sự đã nghiên cứu sử dụng rơm rạ, vỏ lạc, lá mía, lá chuối và các loại cỏ khác nhau, vỏ cà phê để trồng nấm Hoàng đế. Nuhu A. và cộng sự nghiên cứu phối hợp cám gạo, bột ngô và cám lúa mì ở các tỉ lệ khác nhau (10, 20, 30, 40 và 50%) làm chất bổ sung trên cơ chất rơm rạ và đánh giá năng suất của nấm Hoàng đế. Morzina Akter và các cộng sự đã kết hợp nhiều phụ phẩm nông nghiệp gồm rơm lúa nước, rơm lúa mì, thân cây ngô, bã mía, mùn cưa và vỏ trấu để làm giá thể trồng nấm sò (Pleurotus ostreatus) kết quả cho thấy giá thể kết hợp giữa mùn cưa và vỏ trấu theo tỉ lệ 3:1 cho hiệu quả cao nhất khi trồng nấm sò ở quy mô nhỏ.
      Tại Việt Nam, rơm rạ, bã mía và một số nguyên liệu khác đã được nghiên cứu và đưa vào sử dụng để trồng nấm rơm, nấm linh chi. Tác giả Nguyễn Thị Xuân Thu đã sử dụng rơm và lục bình để làm giá thể trồng nấm rơm. Nguyễn Thị Quyên đã trồng thử nghiệm nấm Hoàng đế trên cơ chất phế phẩm nông nghiệp bao gồm lõi ngô nghiền, mùn cưa, bông phế thải tại Sơn La. Các công thức thí nghiệm có bổ sung thêm cám gạo, cám ngô, bột đậu tương. Kết quả sau 69 ngày, năng suất nấm đạt cao nhất 590,0 kg/tấn cơ chất khô. Nguyễn Thị Lâm Hải và các cộng sự đã  đánh giá  khả năng sinh trưởng và năng suất của một số chủng nấm sò (Pleurotus.spp) trên rơm rạ. Kết quả cho thấy rơm rạ có bổ sung cám gạo là cơ chất tốt để cho 5 chủng nấm sò phát triển. Lê Vĩnh Thúc đã so sánh hiệu quả của các cơ chất: bã mía, mùn cưa cao su, trấu, rơm và mụn dừa tới năng suất trồng nấm
sò với kết quả xác định được bã mía là nguồn cơ chất cho năng suất nấm sò cao nhất.
      Việt Nam là quốc gia có sản lượng đậu phộng (lạc) chiếm 2% sản lượng thế giới với sản lượng khoảng 530.000 tấn/năm. Vỏ lạc chiếm 20% khối lượng củ lạc, là một phụ phẩm hữu cơ nếu được tận dụng tốt sẽ tăng giá trị trong chuỗi sản xuất lạc. Với mục tiêu nghiên cứu sử dụng các nguồn phụ phẩm để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định hiệu quả của việc sử dụng phụ phẩm nông nghiệp vỏ lạc kết hợp cám gạo để làm giá thể trồng nấm sò Pleurotus ostreatus.      
      Trong một nghiên cứu gần đây nhóm nghiên cứu Khoa Thực phẩm và Hóa học, Trường Đại học Sao Đỏ đã thành công trong đề tài “Nghiên cứu sự phát triển của sợi nấm sò (Pleurotus ostreatus) trên giá thể từ vỏ lạc và cám gạo”, vỏ lạc và cám gạo được nghiên cứu xử lý để làm giá thể trồng nấm sò. Thành phần chất dinh dưỡng carbon, nitrogen của hai nguyên liệu được xác định phù hợp làm nguyên liệu trồng nấm sò Pleurotus ostreatus, cám gạo có tỉ lệ C/N =  64,7; vỏ lạc có C/N = 34,5. Nguyên liệu vỏ lạc được nghiền tới kích thước 1 – 3mm, xử lý bằng nước vôi (4g vôi/lít) và ủ trong 8 ngày ở độ ẩm 65%. Khi bổ sung cám gạo 10% đã tăng tốc độ phát triển trung bình của sợi nấm lên 300%. Độ ẩm và pH phù hợp cho sự phát triển của nấm sò trên cơ chất vỏ lạc tương ứng là 65% và pH = 6. Sau 20 ngày, các sợi nấm sò đã phát triển tốt, phủ kín giá thể và bắt đầu chuyển sang giai đoạn hình thành quả thể.
 

Tác giả bài viết: ThS. Tăng Thị Phụng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập16
  • Hôm nay500
  • Tháng hiện tại42,044
  • Tổng lượt truy cập4,856,110
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây