Vai trò của protein đối với cơ thể con người

Thứ hai - 25/10/2021 09:08
      Protein (hay chất đạm) là chất dinh dưỡng thiết yếu bên cạnh carbohydrate, chất béo, vitamin và khoáng chất, tất cả các chất dinh dưỡng đều có trong chế độ ăn hàng ngày. Protein là thành phần quan trọng của tế bào trong cơ thể, được hình thành từ nhiều axit amin. Protein có nhiều vai trò đối với cơ thể con người như:
      Duy trì cơ bắp
      Một trong những lợi ích quan trọng của protein là giúp hình thành nên các khối cơ, việc ăn đủ lượng protein sẽ giúp duy trì khối lượng cơ đồng thời ngăn ngừa sự mất cơ. Nếu chúng ta không ăn đủ protein sẽ xảy ra quá trình mất cơ, làm cơ co lại hoặc yếu đi. Những người lớn tuổi, vận động viên thể thao, người có bệnh, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, trường hợp sau phẫu thuật hoặc sau chấn thương cần phải bổ sung protein nhiều hơn người bình thường. 
 
di

      Giúp định hình cấu trúc mô tế bào
      Một số protein có cấu trúc dạng sợi có chức năng tạo độ cứng chắc cho các mô và tế bào. Chẳng hạn như: 
      Keratin: Là một dạng protein có trong da, tóc và móng tay.
      Collagen: Là cấu trúc protein nhiều nhất trong cơ thể, có vai trò góp phần cấu tạo nên da, gân, xương và dây chằng.
      Elastin: Là dạng linh hoạt hơn collagen gấp vài trăm lần, có tác dụng tăng độ đàn hồi giúp cho nhiều mô trong cơ thể dù đã bị kéo dãn hoặc co bóp vẫn có thể trở về trạng thái ban đầu, ví dụ như tử cung hay phổi và các động mạch.
      Hỗ trợ truyền tín hiệu giữa các tế bào
      Protein đóng vai trò là kích thích tố, có nhiệm vụ hỗ trợ giao tiếp giữa các mô với cơ quan và hỗ trợ giao tiếp giữa các tế bào. Cụ thể, các mô hoặc các tuyến nội tiết tạo ra nội tiết tố; tiếp đó nội tiết tố (hormone) sẽ được vận chuyển theo đường máu đến các mô và liên kết với những protein trên bề mặt tế bào. 
      Giúp tăng trao đổi chất
      Protein thúc đẩy quá trình trao đổi chất. Cơ thể sử dụng năng lượng để tiêu hóa và hấp thụ các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm. Protein là thực phẩm tiêu tốn nhiều năng lượng nhất, nó đòi hỏi cơ thể phải đốt cháy nhiều năng lượng để tiêu hóa nó. Điều này gọi là hiệu ứng nhiệt từ thực phẩm (TEF), hiệu ứng nhiệt của protein cao hơn nhiều so với hiệu ứng nhiệt của carbohydrate và chất béo.
      Tạo phản ứng sinh hóa
      Protein cũng có nhiệm vụ tạo ra các enzyme cùng tham gia hỗ trợ hàng nghìn phản ứng sinh hóa được diễn ra bên trong và bên ngoài tế bào. Cấu trúc của enzyme kết hợp với những phân tử bên trong tế bào được gọi là chất nền, để thúc đẩy những phản ứng cần thiết cho quá trình trao đổi chất được diễn ra trong cơ thể. 
      Duy trì độ pH 
      Protein còn tham gia vào quá trình điều chỉnh nồng độ pH trong máu cũng như một số chất dịch cơ thể khác. Duy trì phạm vi pH ở mức bình thường là một điều rất quan trọng vì ngay cả một sự thay đổi nhỏ cũng có thể khiến cơ thể gặp nguy hiểm, thậm chí dẫn đến nguy cơ tử vong.
      Bảo vệ và giải độc cho cơ thể
      Cơ thể con người chống lại sự nhiễm trùng nhờ hệ thống miễn dịch. Hệ thống miễn dịch sản xuất ra kháng thể có bản chất là các protein bảo vệ.
      Mỗi kháng thể gắn với một phần đặc hiệu của vi khuẩn hoặc yếu tố lạ nhằm tiêu diệt hoặc trung hoà chúng. Cơ thể có hệ thống miễn dịch tốt khi được cung cấp đầy đủ acid amin cần thiết để tổng hợp nên kháng thể. Ngược lại, cơ thể sẽ bị đe dọa bởi các chất độc được hấp thụ từ thực phẩm qua hệ thống tiêu hoá hoặc trực tiếp từ môi trường. Các chất độc này sẽ được gan giải độc. Khi quá trình tổng hợp protein bị suy giảm do thiếu dinh dưỡng thì khả năng giải độc của cơ thể giảm.
      Lượng tiêu thụ protein: Với một người trưởng thành hoạt động vừa phải, nên ăn từ 1 - 1,5g protein cho 1kg trọng lượng cơ thể. Nếu người thường xuyên tập luyện, cần từ 1,6 – 1,7g protein cho 1kg trọng lượng cơ thể.

Tác giả bài viết: ThS. Trần Thị Dịu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập22
  • Hôm nay471
  • Tháng hiện tại121,973
  • Tổng lượt truy cập5,215,202
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây