Thực trạng và định hướng giảm thiểu chất thải nhựa

Thứ sáu - 25/12/2020 17:58
Theo số liệu thống kê, có đến 300 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường mỗi năm - nặng tương đương trọng lượng của toàn bộ dân số địa cầu - và hơn một nửa số đó là những sản phẩm nhựa dùng một lần và sẽ bị vứt bỏ ra môi trường, phải mất từ 400 đến 1.000 năm mới có thể phân hủy.
       Tính trung bình mỗi năm, người Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nilon. Trung bình mỗi hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng khoảng 1 kg túi nilon mỗi tháng. Hơn 80% số chúng đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần và đích đến cuối cùng phổ biến của chúng, không phải các cơ sở tái chế hay xử lý, mà là biển và đại dương, “góp phần” đáng kể vào hơn 8 triệu tấn nhựa mà dân cư toàn thế giới đổ ra đại dương mỗi năm! Việt Nam hiện đứng thứ 4 trên thế giới về khối lượng rác thải nhựa với mỗi năm có khoảng 730.000 tấn rác đổ ra biển
       Có đến 40% tổng lượng nhựa sử dụng cho nông nghiệp, chính là các màng bọc nhựa được rải lên trên lớp đất với chức năng làm lớp phủ cho đất. Chúng ngăn chặn cỏ mọc, tăng sự hấp thu phân bón, điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm, bảo vệ cây cối và đất chống lại thời tiết xấu. Nhiều nghiên cứu ước tính lớp phủ nhựa giúp tăng sản lượng nông sản đến hơn 1/3.
       Phát kiến này được vinh danh là hữu ích cho nông nghiệp khi được đưa ra lần đầu tiên vào thập niên 1950, và trong năm 2019, tổng lượng màng bọc nhựa toàn thế giới sử dụng cho nông nghiệp ước tính có thể lên đến 6,7 triệu tấn, chiếm khoảng 2% tổng lượng nhựa được sản xuất mỗi năm - con số thật kinh khủng.
Nhựa sử dụng trong nông nghiệp cơ bản là khó tái chế và nếu tái chế, sẽ rất đắt đỏ vì loại nhựa này đã bị dính đất, thuốc trừ sâu và phân bón. Những phần nhựa bị dính nhiễm có thể chiếm tới 50% tổng khối lượng chất liệu nhựa khi thu thập để tái chế, khiến quy trình tái chế tốn kém và không hiệu quả.
Tác hại nguy hiểm nhất của rác nhựa chính là tính chất rất khó phân hủy. Ngay cả khi được thu gom và chôn lấp lẫn vào đất, chúng vẫn tồn tại hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước và dinh dưỡng, ngăn cản oxy đi qua đất làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng, cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động thực vật…
        Cùng chung nỗ lực với các nước trên thế giới, Việt Nam đã và đang tích cực hành động mạnh mẽ. Về mặt luật pháp, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quan trọng như Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (năm 2015), Luật Bảo vệ môi trường (năm 2014), các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành và đặc biệt là Nghị định 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, là cơ sở pháp lý quan trọng nhất liên quan đến hoạt động quản lý, xử lý rác thải nhựa nói chung và trên biển nói riêng.
       Đặc biệt, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt mục tiêu “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương”.
       Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia  về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 tại Quyết định 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ để quản lý, hạn chế, giảm thiểu, xử lý rác thải nhựa đại dương.
       Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án xây dựng Trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương; xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam” để tăng cường năng lực quản lý chất thải nhựa; rà soát để đề xuất việc hoàn thiện các quy định, chính sách hiện hành nhằm hạn chế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần; khuyến khích, hỗ trợ phát triển, sử dụng các sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường; phân loại rác tại nguồn; thu hút đầu tư, ứng dụng phát triển công nghệ tiên tiến, tái sử dụng, tái chế rác thải, rác thải nhựa; hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất các loại túi nilon khó phân hủy.
       Các bộ, ngành, địa phương đã hiện thức hóa chủ trương, chính sách bằng nhiều chương trình, dự án giảm rác thải nhựa trên cả nước, hướng đến mục tiêu chung: toàn cầu không có rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030. Tháng 6/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” trong toàn dân. Từ đó, hàng loạt địa phương, đơn vị đã ban hành và triển khai hàng loạt chương trình hành động giảm thiểu, nói “không” với rác thải nhựa...
       Ngày 20 tháng 8 năm 2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Nhận thức được vai trò trong giải quyết cuộc khủng hoảng chất thải nhựa toàn cầu, Việt Nam, một thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, đã cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa để bảo vệ môi trường sinh thái biển và đại dương:
       - Năm 2017, Việt Nam chính thức gia nhập danh sách 127 quốc gia thông qua Nghị quyết Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc về chất thải nhựa và vi nhựa đại dương.
       - Năm 2018, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức ở Canada, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết hành động cũng như kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên biển.
       - Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào chống chất thải nhựa trên toàn quốc, nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp và các cá nhân đã có nhiều hành động thiết thực, ý nghĩa, hiệu quả để chống, giảm thiểu chất thải nhựa.
       - Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, tập trung thực hiện mục tiêu sử dụng 100% túi ni-lông thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni-lông khó phân hủy; hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi ni-lông khó phân huỷ kể từ năm 2026 tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt;
       - Bộ Công thương “Tiếp tục đẩy mạnh và sớm triển khai Kế hoạch thực hiện mục tiêu đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần”;
       - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, thực hiện kế hoạch giảm thiểu, thu gom, tái chế chất thải nhựa trong ngành trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản; thực hiện các giải pháp hạn chế sử dụng phao xốp trong ngành thủy sản (để làm nổi các lồng bè nuôi cá); xây dựng, thực hiện các giải pháp thu hồi các ngư cụ như lưới, phao bị thất lạc, bỏ quên hoặc thải bỏ trên biển (ALDFG) và thu hồi các bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho các sản phẩm thay thế túi ni-lông khó phân hủy và đồ nhựa dùng một lần từ nông sản. Đặc biệt là bạt nhựa trong nuôi trồng thủy sản và màng phủ trong trồng trọt.
         Chính vì vậy, việc nghiên cứu nhằm chế tạo ra màng phủ nông nghiệp có khả năng tự phân hủy trong môi trường, góp phần làm giảm ô nhiễm, tận dụng được nguồn phế phụ phẩm đa dạng, giúp các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất nông nghiệp thay thế màng phủ PE là hướng đi đúng đắn và cấp thiết. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu sản xuất và ứng dụng màng phủ sinh học tự phân hủy phục vụ sản xuất rau màu trên địa bàn thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương” cũng không nằm ngoài xu thế hiện nay. Chúc cho nhóm tác giả sớm hoàn thiện nghiên cứu và triển khai chuyển giao công nghệ, áp dụng vào thực tiễn sản xuất nhằm góp phần bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp./.

Tác giả bài viết: ThS. Tăng Thị Phụng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay328
  • Tháng hiện tại43,242
  • Tổng lượt truy cập4,857,308
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây