Dinh dưỡng hợp lý cho người lao động

Thứ hai - 15/10/2018 09:06
          Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động, trạng thái tâm lí của con người và giảm nguy cơ mắc bệnh. Vì vậy, xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý chứa đầy đủ vitamin, khoáng chất cho cơ thể là điều cần thiết và có ý nghĩa.
           Để xây dựng chế độ dinh dưỡng cần thực hiện các nguyên tắc cơ bản về dinh dưỡng hợp lý. Trước hết, cần một chế độ ăn đáp ứng nhu cầu về năng lượng, thiếu hoặc thừa đều có hại. Chế độ ăn thiếu năng lượng thì cơ thể mệt mỏi, năng suất lao động thấp, nếu kéo dài thì cơ thể bị suy dinh dưỡng. Ngược lại, nếu chế độ ăn quá dư thừa năng lượng kéo dài sẽ dẫn tới thừa cân, béo phì dễ mắc các bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, xơ mỡ động mạch... Người lao động cần theo dõi cân nặng định kỳ để tính lượng năng lượng cần thiết khi đưa vào cơ thể.
        Thứ hai là thực hiện chế độ ăn đủ nhu cầu cung cấp các thành phần dinh dưỡng bao gồm chất đạm (protein), chất béo (lipid) và chất bột đường (glucid). Trong đó protein cung cấp 4.1kcal/1g, lipid cung cấp 9.3kcal/g và glucid cung cấp 4.1kcal/g. Năng lượng do protein cung cấp chiếm từ 10-15% tổng năng lượng khẩu phần ăn. Lao động càng nặng thì lượng protein cũng cần tăng theo. Nên ăn khoảng 30-50% đạm từ nguồn gốc động vật. Lipid và glucid là nguồn cung cấp năng lượng chính cho khẩu phần. Lipid chứa nhiều năng lượng do đó khi lao động nặng có thể ăn nhiều hơn. Không nên chỉ ăn chất béo từ thực vật mà nên ăn cân đối đối với người trưởng thành nên ăn tỷ lệ lipid từ động vật và thực vật là 1:1. Ngoài ra, chế độ ăn cần đủ vitamin và chất khoáng. Rau xanh và quả chín cung cấp vitamin, chất xơ và chất khoáng cần thiết, không thể thiếu được trong bữa ăn cho người lao động.
            Thứ ba là cần một chế độ ăn hợp lý. Bắt buộc ăn sáng trước khi đi làm, bởi vì bữa ăn sáng cung cấp cho cơ thể năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết cho lao động sau một đêm dài. Tình trạng giảm đường huyết trong khi lao động có thể gây ra những tai nạn, nhất là khi làm việc trên cao. Khoảng cách giữa các bữa ăn không nên quá 4-5 giờ. Nhiều khi do chế độ làm ca kíp thông tầm, người ta tổ chức các bữa ăn giữa giờ. Bữa ăn giữa giờ không nên quá nhiều, gây buồn ngủ và không nên dùng bia, rượu. Nên cân đối thức ăn cho các bữa sáng, trưa, tối. Đảm bảo sự cân đối trong từng bữa ăn. Bữa ãn tối cần ăn trước khi đi ngủ 2-3 giờ.
 
   
phung11
 
phung12
Hình 1. Một số thực phẩm giàu các thành phần dinh dưỡng cần thiết
            Ngoài ra, người lao động cũng cần lưu ý khi sử dụng các chất kích thích như bia, rượu hợp lý tránh tình trạng gây hưng phấn, kích thích nhưng sau đó lại mệt mỏi, buồn ngủ. Cần duy trì chế độ ăn uống hợp lý và nếp sống điều độ, lành mạnh để giữ gìn khả năng lao động. Đặc biệt hiện nay là chế độ ăn phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Do điều kiện công việc, người lao động nhiều khi dùng bữa ăn chính ở các quán ăn hoặc mua các thức ăn chế biến sẵn. Cần chú ý chọn các thức ăn vừa qua chế biến sạch sẽ, tránh các thức ăn để lâu ở nhiệt độ ngoài trời, sử dụng thực phẩm biết rõ nguồn gốc.
 
phung2
Hình 2. Tháp dinh dưỡng hợp lý cho người trưởng thành (giai đoạn 2016-2020) cho một người/ngày
(Nguồn: Viện dinh dưỡng Quốc gia)

Tác giả bài viết: Ths Tăng Thị Phụng

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập70
  • Hôm nay3,196
  • Tháng hiện tại39,457
  • Tổng lượt truy cập5,048,564
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây