Thiếu hụt vitamin – Nguyên nhân dẫn đến một số căn bệnh

Thứ năm - 24/05/2018 14:28
      Vitamin là những chất hữu cơ rất cần thiết cho sự phát triển của con người. Tuy nhiên, cơ thể không có khả năng tổng hợp được vitamin nên trong chế độ ăn hàng ngày phải bổ sung đầy đủ các loại vitamin thông qua các thực phẩm thiết yếu. Khi cơ thể thiếu hụt một loại vitamin lâu ngày sẽ phát sinh bệnh tật. Vậy, những dấu hiệu nào để nhận biết cơ thể thiếu vitamin?
1. Vitamin là gì?       
      Vitamin là nhóm chất (bắt buộc) cần thiết cho hoạt động sinh sống của bất kỳ cơ thể sinh vật. Vitamin là nhóm chất hữu cơ có phân tử tương đối nhỏ và có bản chất lý hóa rất khác nhau. Nhiều dẫn liệu thực nghiệm đã chứng minh rằng đa số các  vitamin có tác dụng như các coenzyme. Dưới tác dụng của coenzyme chúng tham gia vào quá trình dị hóa và đồng hóa ở mức tế bào và mô, cũng như các phân tử bên trong tế bào, các ti thể.
2. Phân loại vitamine và vai trò
      Để nghiên cứu vitamin, thông thường người ta chia thành hai nhóm lớn: Nhóm vitamin hòa tan trong nước và nhóm vitamin hòa tan trong chất béo. Nhiều loại vitamin thuộc nhóm thứ nhất, là thành phần coenzyme của các enzyme xúc tác cho các quá trình khác nhau ở cơ thể và tham gia chủ yếu vào các quá trình liên quan với sự giải phóng năng lượng (oxy hóa khử, phân giải các hợp chất hữu cơ…) còn đa số các vitamin, thuộc nhóm vitamin thứ hai (có lẽ cũng là coenzyme của các hệ enzyme chưa biết rõ) tham gia vào các quá trình tạo hình, nghĩa là tạo nên các chất cấu thành của các cơ quan và mô khác nhau. Thực ra, việc phân chia theo cơ chế tác dụng chưa phải hoàn toàn hợp lý vì cho tới nay người ta còn chưa biết rõ chức năng của các dạng vitamin. Hai nhóm lớn trên bao gồm các nhóm nhỏ với các loại vitamin có cấu trúc hóa học gần nhau gọi là các vitame.
 
hg1
Hình 1: Một số vitamin có trong thực phẩm (Ảnh: Internet)
3. Nguyên nhân gây thiếu vitamin
      Trẻ sinh non tháng thường thiếu vitamin A, D, E, K vì những chất này tan trong dầu nên khó đi qua nhau thai. Ở người cao tuổi, khả năng hấp thu thường kém nên dễ bị thiếu vitamin B9 và B12, dẫn đến giảm trí nhớ và lú lẫn. Những người nghiện thuốc lá, rượu, đang điều trị hóa trị liệu, xạ trị liệu hoặc bị bệnh mãn tính (tiểu đường, suy thận, AIDS...) cũng thường bị thiếu vitamin.
      Thiếu vitamin còn do cung cấp không đủ qua thức ăn. Các loại thực phẩm tinh chế (như bánh mì trắng, bột tinh chế, sữa tách chất béo...) thường mất nhiều vitamin. Thực phẩm đóng hộp do phải qua khâu chiếu tia để khử khuẩn nên cũng mất một phần vitamin. Việc chế biến thực phẩm không đúng cách (ngâm lâu trong nước, nấu quá nhiều nước) cũng là loại vi chất này hao hụt nhiều. Những người thực hiện chế độ ăn giảm béo cũng thường bị giảm lượng muối khoáng và vitamin đưa vào cơ thể từ thức ăn.
      Tình trạng thiếu vitamin còn xảy ra do quá trình hấp thu và đồng hóa chất này bị rối loạn. Các bệnh đường ruột mạn tính làm giảm hoặc mất khả năng hấp thu một số vitamin. Việc dùng lâu một số thuốc cũng gây hậu quả này (như corticoid, thuốc chống lại tính acid của dạ dày, kháng sinh, thuốc hướng tâm thần, thuốc chống ung thư). Trong một số trường hợp thiếu vitamin do nhu cầu tăng mà không được đáp ứng đủ, chẳng hạn như phụ nữ có thai, đang cho con bú, vận động viên thể thao, bị stress, khí hậu khắc nghiệt, người nghiện rượu, môi trường ô nhiễm...
hg2
Hình 2: Trẻ uống Vitamin A trong ngày vi chất dinh dưỡng (Ảnh: Internet)
4. Thiếu hụt vitamin gây ra rất nhiều bệnh nguy hiểm
      Bệnh tê phù do thiếu vitamin B1
      Căn bệnh này có tên là Beriberi, xuất hiện khi cơ thể thiếu nước nghiêm trọng trong khoảng 3 tháng. Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị teo cơ gây liệt 2 chân, thậm chí chết vì suy tim. Triệu chứng của Beriberi lúc đầu âm thầm, không rõ nét nên ít người chú ý. Người bệnh thường chỉ thấy mệt mỏi, chân đi nhanh mỏi và có cảm giác nặng ở bắp chân. Nếu không được điều trị bệnh sẽ bị nặng dần. Căn bệnh này chủ yếu xuất hiện ở châu Á trong một thời gian dài và gần như là căn bệnh độc quyền cho các thành viên gia đình giàu có. Mặc dù được công nhận là căn bệnh do thiếu hụt dinh dưỡng nhưng tại sao lại xuất hiện ở những người giàu có luôn có lượng thức ăn phong phú, dồi dào.
Nguyên nhân bởi ăn gạo xay xát quá kỹ đồng thời chưa chú ý đến việc ăn thêm các thực phẩm giàu vitamin B1 như đậu, đỗ, vừng, lạc, rau, quả. Nếu chỉ ăn cơm là chủ yếu, ít dùng các thực phẩm khác thì cũng dễ bị tê phù vì lượng gạo chúng ta ăn hằng ngày chỉ cung cấp khoảng 50% nhu cầu vitamin B1 của cơ thể.
      Nứt da do thiếu vitamin B3
      Sau khi khám phá ra châu Mỹ, ngô được những người di cư trồng khắp nơi, người ta ăn ngô chủ yếu trong các bữa ăn thay thế các loại ngũ cốc khác nhưng diện tích ngô càng lan rộng bao nhiêu thì căn bệnh nứt da càng xuất hiện nhiều bấy nhiêu.
      Các triệu chứng của bệnh bao gồm tiêu chảy, viêm da, mất trí cuối cùng là thiệt mạng. Sau cái chết của hàng ngàn người, các chuyên gia phát hiện ngô có hàm lượng cao carbohydrate nhưng thiếu trầm trọng vitamin B3 (niacin).
Vitamin B3 là thành phần của hai loại enzym cần thiết cho sự hô hấp của các tế bào, giúp chất đạm, chất béo, carbohydrate sản xuất năng lượng, cần thiết cho sự tăng trưởng cơ thể, giúp giảm cholesterol.
      Thiếu vitamin B3 có thể dẫn tới chứng viêm da, da bị sưng, tróc vảy, nhất là ở phần da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hoặc chấn thương, viêm miệng và lưỡi sưng đỏ. Bệnh được chữa bằng các loại thuốc có chứa axit nicotinic. Niacin có nhiều trong thực phẩm gốc động vật như gan, thận, thịt bò, thịt gà, thịt vịt, sữa, ngũ cốc, cơm gạo.
      Phát ban, rụng tóc do thiếu Biotin
      Thiếu Biotin hay còn gọi là vitamin B7 gây ra chứng phát ban, rụng tóc, thiếu máu, một số bệnh triệu chứng về thần kinh như ảo giác, buồn ngủ và trầm cảm. Vitamin B7 có trong thịt, sữa, gan, lạc và một số loại rau.
Tình trạng thiếu biotin ngày nay khá hiếm nhưng lại khá phổ biến ở những người tập thể hình hay ăn trứng sống.      Nguyên nhân do một loại protein trong lòng trắng trứng sống liên kết với vitamin B7 khiến cơ thể khó tiêu thụ dẫn đến thiếu biotin.
      Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyên phụ nữ mang thai nên bổ sung vitamin B7 vì nhu cầu về loại vitamin này trong thai kỳ cao hơn bình thường.
      Viêm lợi, chảy máu chân răng do thiếu vitamin C
      Bệnh Scorbut là bệnh do thiếu vitamin C gây ra thường gặp ở cả người lớn và trẻ em. Ở người lớn, bệnh có biểu hiện viêm lợi, chảy máu chân răng, đốm xuất huyết, tụ máu dưới màng xương, tăng sừng hóa nang lông. Ở trẻ em, chế độ ăn không hợp lý rất dễ dẫn đến thiếu vitamin C gây chảy máu dưới màng xương, nhất là chi dưới. Có thể chữa bệnh này bằng cách bổ sung vitamin C quan các loại rau cải, rau muống, rau cần, các loại trái cây như táo, cam quýt, chanh, bưởi.
      Bệnh còi xương do thiếu vitamin D
      Còi xương là nguyên nhân chính khiến cho cơ bắp và xương trở nên mềm hơn thậm chí gây ra dị tật vĩnh viễn ở trẻ em và trẻ sơ sinh. Trẻ bú sữa mẹ cũng có nguy cơ còi xương cao nếu mẹ không nhận đủ ánh nắng mặt trời để hấp thụ vitamin D hoặc canxi.
      Người lớn hiếm khi bị còi xương vì xương của họ không phát triển và không cần nhiều canxi. Vitamin D có trong nhiều loại thực phẩm nhưng cơ thể chỉ có thể sử dụng được nếu nó được chuyển thành dạng tích cực thông qua ánh sáng mặt trời.
hg3
Hình 3: Thường xuyên cho trẻ tắm nắng để bổ sung đầy đủ vitamin D
      Thiếu vitamin K gây chảy máu không kiểm soát
      Gần một nửa số trẻ sơ sinh trên toàn thế giới thiếu vitamin K. Trong trường hợp nặng nó gây ra chảy máu không kiểm soát được hay kém phát triển khuôn mặt và xương nên nhiều bệnh viện đã tiến hành tiêm vitamin K cho trẻ ngay khi sinh.
      Vitamin K có nhiều trong các loại rau có màu xanh đậm nhưng cần phải có vi khuẩn đường ruột sản xuất ra nó. Trẻ sơ sinh chưa phát triển vi khuẩn đường ruột nên dễ dẫn đến tình trạng thiếu vitamin K.
      Tình trạng thiếu vitamin K còn phát hiện ở người nghiện rượu, người ăn kiêng nghiêm ngặt hay bệnh xơ nang. Người hay có vết bầm tím hoặc chảy máu dễ dàng nguyên nhân có thể do thiếu hụt vitamin K
      Quáng gà do thiếu hụt vitamin A
      Người Ai Cập và Hy Lạp cổ đại từng bàn về bệnh quáng gà tức là chứng giảm thị lực khi ánh sáng yếu hoặc khi hoàng hôn. Người Ai Cập phát hiện ra rằng họ có thể chữa khỏi cho người mắc quáng gà bằng cách ăn gan.
      Ngày nay, các nhà khoa học lý giải trong gan gà có chứa rất nhiều vitamin A và thiếu hụt nghiêm trọng vitamin A chính là nguyên nhân gây bệnh quáng gà. Ngoài ra, trong cà rốt cũng có chứa nguồn vitamin A rất dồi dào.
      Căn bệnh quáng gà này ảnh hưởng đến 1/3 trẻ em dưới 5 tuổi trên Trái đất, kết quả là hơn nửa triệu người chết mỗi năm. Tuy nhiên, vitamin A liều cực cao lại gây ra biến chứng về sức khỏe.
Biểu hiện thiếu các loại vitamin trên cơ thể và cách khắc phục
      Thiếu vitamin tan trong dầu
      Thiếu vitamin A: Người bệnh dễ bị nổi mụn trứng cá, tóc khô, mệt mỏi, mất ngủ, mờ mắt về ban đêm, giảm ý thức về mùi vị, dễ bị viêm nhiễm.
Để khắc phục, nên bổ sung nguồn vitamin A trong các loại thực phẩm: dầu gan cá, gan, cà rốt, rau xanh đậm, trứng, sản phẩm từ sữa hay các loại trái cây có vỏ màu vàng.
       Thiếu vitamin E: Biểu hiện qua phản xạ lệch lạc, tâm tính thất thường, mắt chuyển động thiếu nhịp nhàng, khô da, phồng nơi bàn chân. Vitamin E có thể tìm thấy trong lúa mì, dầu cải, lá cải xanh, đậu nành, ngũ cốc các loại.
      Thiếu vitamin K: Biểu hiện chảy máu mũi, trục trặc trong việc đông máu ở vết thương, tiêu chảy. Các thực phẩm có thể bổ sung nguồn vitamin K là đậu nành, dầu gan cá, sữa chua, lòng đỏ trứng, lá cải xanh.
      Thiếu vitamin D: Cảm giác nóng ở họng, miệng, ra mồ hôi nhiều, tiêu chảy, mất ngủ, cǎng thẳng. Thực phẩm giàu vitamin D là dầu gan cá, cá thu, cá hồi, cá trích và các ấn phẩm làm từ sữa.
      Thiếu vitamin tan trong nước
      Thiếu vitamin B1: Với triệu chứng ăn không tiêu, tiêu chảy, tuần hoàn kém, lo lắng, nên dùng các loại thực phẩm giàu viatmin B1 như hạt ngũ cốc, lúa mì, yến mạch, thịt, gan, tim.
      Thiếu vitamin B2: Dễ bị loét miệng, lở môi, mệt mỏi, tóc có màu và khô. Nên ǎn các loại thực phẩm giàu vitamin B2 như rau xanh sẫm, sữa, gan, thận, trứng và cá.
      Thiếu vitamin B6: Có biểu hiện rụng tóc, mụn trứng cá, mắt đỏ, mờ mắt, mệt mỏi, chậm ngủ, chậm lành vết thương. Các bạn có thể tìm nguồn B6 bổ sung từ thận, đậu nành, bắp cải, trứng, đậu phộng...
      Thiếu vitamin B12: Các biểu hiện nhức đầu, ăn mất ngon, hơi thở ngắn, táo bón, sức tập trung kém, hay quên. Thực phẩm giàu vitamin B12 có trong gan, thịt bò, trứng, pho mát, sữa, thận.
      Thiếu vitamin C: Nướu răng dễ bị chảy máu, trầm uất, tụ máu trên da, đau khớp, long răng, chậm lành vết thương. Có thể tìm nguồn vitamin bổ sung ở chanh, cam, cà chua, khoai tây, hoa cải
      Để bảo vệ sức khỏe, tránh thiếu hụt các loại vitamin cho cơ thể, chúng ta cần đảm bảo chế độ ăn uống khoa học với đẩy đủ các nhóm chất đạm, chất béo, chất khoáng, rau xanh, hoa quả….
      Hi vọng với bài viết này mọi người có được những thông tin những hiểu biết rõ ràng chính xác về nguyên nhân và những bệnh nguy hiểm do thiếu hụt vitamin từ đó phòng tránh và điều trị bệnh một cách hiệu quả nhất.

Tác giả bài viết: Ths Vũ Thị Hồng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập35
  • Hôm nay1,940
  • Tháng hiện tại38,201
  • Tổng lượt truy cập5,047,308
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây