Đạo nghĩa thầy trò

Thứ tư - 17/11/2021 10:14
             Dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học, dù ở trong giai đoạn nào của đất nước người Việt đều coi trọng sự học, họ chăm lo cho con em mình được học hành thành người, thành tài, thành người có ích cho xã hội. Vì vậy, truyền thống “Tôn sư trọng đạo” luôn là một nét đẹp đáng được tôn kính, mang đậm tính nhân văn của văn hóa Việt Nam. Coi trọng việc học, kính trọng người thầy là yếu tố cốt lõi làm nên giá trị nhân bản của việc học hành…
            “Tôn sư trọng đạo” là quan niệm có từ xưa, là cách thể hiện tình cảm và lòng biết ơn của người học trò đối với thầy cô của mình, tình nghĩa thầy trò là điều không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi con người, nhất là trong thời kỳ cắp sách đến trường. Tình nghĩa thầy trò là thứ tình cảm thiêng liêng nhất trong cuộc sống vì tình cảm này không dựa trên bất cứ một hình thức trục lợi nào, chân thật và thanh khiết vô cùng. Thầy là người yêu thương, dạy dỗ hướng ta đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thầy luôn tận tâm và dẫn đường cho tri thức của ta, nhờ có thầy mà mỗi học sinh chúng ta có thể trở thành những người có ích cho xã hội. Thầy vừa là người cha, vừa là người mẹ, vừa là người bạn tốt mà mỗi học sinh chúng ta cần phải có, cần phải biết quý trọng trong cuộc sống này.
            Đạo nghĩa thầy trò được người xưa gửi gắm trong câu ca dao: “Muốn sang thì bắc cầu kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Người thầy được xã hội kính trọng. Thầy không chỉ dạy chữ mà còn coi trọng giáo dục đạo đức, nhân cách cho trò để mỗi người khi thành đạt trở thành những con người vừa có đức, vừa có tài. Trong mối quan hệ thầy - trò, thầy luôn đặt ra yêu cầu cao đối với học trò như phải biết lễ nghĩa, thưa gửi khi gặp thầy, phải giữ chữ tín, đi đứng phải đúng mực, phải biết cách ứng xử trong gia đình, bạn bè và xã hội; là cách đối nhân xử thế sao cho đúng nghĩa là người có học...
Cố nhân có câu: “Tiên học lễ, hậu học văn”- học lấy đạo làm người trước rồi mới học kiến thức trong sách vở. Đến trường, thầy cô như mẹ cha không chỉ giảng dạy những điều trong sách vở mà còn nhiều hơn như thế. Thầy cô đã dạy cho chúng ta yêu những câu ca dao mẹ hát du lúc còn thơ, yêu những câu chuyện cổ tích mẹ kể mỗi lúc đi ngủ; yêu cánh đồng quê bình dị, yêu bông lúa hiền đọng bao mồ hôi gian khó, yêu cánh cò nhỏ bay về trong mưa. Chính lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê ấy đã trở nên lòng yêu Tổ quốc như nhà văn người Nga Ika- Erenbua đã từng nói. Tuổi thơ em đã bao lần em vấp ngã nhưng luôn có một bàn tay đặt lên vai và đưa chúng ta đứng dậy đó là thầy giáo thân yêu của chúng ta. Thầy đã dạy cho chúng ta rằng: “Dù ở vị trí nào thì cuộc sống cũng đem đến dâng hiến cho chúng ta những giây phút tuyệt vời nhất”.
            Từ ngàn xưa nhân dân ta vẫn kể cho nhau câu chuyện về đạo nghĩa thầy trò của thầy giáo Chu Văn An và học trò Thuỷ Thần – con trai của vua Thuỷ Tề. Đứng trước cảnh nhân dân chịu mất mùa, hạn hán và lời đề nghị của người thầy kính trọng, Thuỷ Thần đã làm trái lời vua cha làm mưa giúp dân thoát khỏi cảnh lầm than, cơ cực nhưng cái giá phải trả cho hành động đó của người học trò hiếu học lại là chính tính mạng của mình. Thương xót cho người học trò tài đức, không ít lần thầy Chu Văn An khóc lặng mình trước bờ sông xưa. Còn biết bao ông nghè, ông trạng vinh quy bái tổ vẫn không quên dừng ngựa, lễ phép vào chào thầy, lạy thầy để tỏ lòng biết ơn sâu sắc. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng thấy được nghĩa tình sâu nặng của thầy trò mà không một sức mạnh nào có thể ngăn cản được. Danh vọng ư? Tiền tài ư? Những thứ đó không là gì với những tình cảm, những lòng biết ơn sâu sắc của những con người Việt Nam sống trên một mảnh đất nghìn năm văn hiến.
            Ngày nay, thời kỳ của công nghệ 4.0, Internet trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại thì việc dạy và học của thầy và trò cũng có những thay đổi (trong lĩnh vực giáo dục gọi là sự đổi mới phương pháp giảng dạy), nhất là phương pháp giảng dạy ở bậc đại học, cao đẳng; người thầy giờ đóng vai trò hướng dẫn sinh viên cách tiếp cận nguồn tri thức. Thế nên, mối quan hệ thầy - trò cũng trở nên cởi mở, gần gũi, thân thiện hơn. Tuy nhiên, có một bộ phận nhỏ sinh viên đã vượt quá giới hạn, không hiểu thấu đáo việc dân chủ, tự do trong học tập và trong mối quan hệ thầy - trò không có nghĩa là thay đổi lễ nghĩa của trò dành cho thầy. Lễ nghĩa ấy chính là sự kính trọng và tôn trọng lẫn nhau, mà mỗi trò đều được học ngày đầu tiên khi bước vào môi trường học là phải học lễ nghĩa: “Tiên học lễ, hậu học văn”.

Tác giả bài viết: ThS. Trần Thị Dịu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay836
  • Tháng hiện tại85,384
  • Tổng lượt truy cập4,349,315
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây